LUANG PRABANG - CỐ ĐÔ YÊN BÌNH
Nằm cách thủ đô Vientiane 425km về phía Bắc thuộc vùng núi Thượng Lào, tại nơi gặp nhau của hai dòng sông Mekong, Nậm Khan trên độ cao 300m so với mực nước biển và lọt thỏm giữa thung lũng của hai dãy núi Thạo, Nang bạt ngàn các thảm rừng nguyên sinh, Luang Prabang là cố đô của Vương quốc Lan Ch’ang (Lạn Xạng) - Triệu voi được thành lập bởi vua Fa Ngum năm 1353 và kéo dài đến thế kỷ XVII. Trong ngôn ngữ Lào, “Luang Pha Bang” có nghĩa là “Phật Vàng Lớn”.
Cố đô nằm thoai thoải trong thung lũng
Vào cuối thế kỷ XVI, do những đấu đá nội bộ và chiến tranh với người Thái, Việt Nam và một thế hệ lãnh chúa Miến Điện, Vương quốc Lan Ch’ang dần bị xói mòn và phân mảnh. Đến thế kỷ XVII, Lan Ch’ang mới tìm lại được thời hoàng kim dưới triều vua Souligna Vongsa, lên ngôi năm 1637 sau khi đánh bại bốn kẻ kình địch và dời đô về Viang Chan.
Đến đầu thế kỷ XVIII, với việc hình thành các vương triều Luang Pha Bang và Champasak bên cạnh vương triều Viang Chan, Luang Prabang trở thành một đô thị - quốc gia độc lập yếu kém về quân sự, phải cống nạp cho các vương quốc lân bang. Trong thế kỷ XIX, các vùng lãnh thổ này đều nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Pháp và bị sáp nhập vào Liên bang Đông Dương từ năm 1893. Chính vào thời kỳ bảo hộ này mà Luang Prabang đã có thêm những công trình kiến trúc thuộc địa đan xen hài hòa cùng các kiến trúc Lào truyền thống.
Luang Prabang - cố đô yên bình – Ảnh: Gedsman (nhandan.com.vn)
Trong thế chiến II, khi Nhật thay chân Pháp ở Đông Dương vào năm 1940, đô thị Luang Prabang đã rơi vào tình trạng suy yếu dù nơi đây vẫn còn là kinh đô của hoàng gia, trung tâm quyền lực của vương quốc Lào. Cuộc cách mạng kết thúc thắng lợi vào năm 1975 đã dẫn đến sự cáo chung của chế độ quân chủ, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Việc một quốc gia dân chủ vừa hình thành với bộn bề lo toan và kinh tế đang còn là bài toán nan giải, vô hình trung đã bảo vệ Luang Prabang thoát khỏi ảnh hưởng của quy hoạch đô thị thế kỷ XX.
NHỮNG NGÔI NHÀ THÀNH KHÁCH SẠN
Năm 1989 khi Lào mở cửa du lịch, Du lich Luang Prabang như gặp cơ may dẫn đến đổi thay đáng kể khu đô thị cổ. Các căn nhà gỗ hay biệt thự thuộc địa đổ nát được phục hồi một cách tế nhị đã trở thành những nhà nghỉ hay khách sạn phục vụ khách du lịch. Giữa núi rừng heo hút, những ngôi nhà cổ kính cùng những danh lam thắng cảnh của Luang Prabang đã thực sự mê hoặc lòng người, hấp dẫn nhiều khách du lịch khiến nơi đây nhanh chóng trở thành khu thị tứ đông vui nhất của quốc gia Lào.
Một nhà hàng bên sông Mekong – (nguồn ihay.thanhnien.com.vn)
Có thể nói Luang Prabang là một cố đô được giữ gìn tốt nhất châu Á. Vẻ đẹp vừa tự nhiên vừa nguy nga lộng lẫy của những công trình hoàng gia hay đền chùa, những khu phố cổ… đã được UNESCO công nhận và đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới năm 1995.
THÀNH PHỐ CỦA NHỮNG NGÔI CHÙA
Nếu Du lich Luang Prabang từng được biết đến là trung tâm của Phật giáo Lào thì không lạ khi nơi đây hiện diện gần 40 ngôi chùa, được xây dựng từ những triều đại khác nhau. Cũng như các cung điện đền đài khác, các ngôi chùa ở Luang Prabang mang nét kiến trúc đặc trưng Lào và đa phần được bảo quản hầu như nguyên vẹn, hoặc giả được trùng tu tôn tạo nhưng vẫn bảo tồn được nét độc đáo cổ xưa.
Hình ảnh quen thuộc tại Luang Prabang
Du khách đến đây có thể bắt gặp các ngôi chùa ở khắp mọi nơi, từ trên đỉnh núi đến giữa phố phường, từ bên này sông đến bên kia sông, mỗi ngôi chùa đều mang dấu ấn văn hóa và có giá trị cao về mặt nghệ thuật. Điểm đáng ghi nhận là những ngôi chùa ở Luang Prabang giản dị như chính cuộc sống nơi đây vốn giản dị, du khách có thể dạo bước từ chùa này sang chùa khác một cách dễ dàng bởi các ngôi chùa gần như không có ranh giới chính thức nào.
Chùa Vat Sala Pha Bang trong khuôn viên hoàng cung
Khởi từ Haw Kham - Cung điện hoàng gia xưa với Vat Sala Pha Bang đẹp và hoành tráng trong khuôn viên hoàng cung, nơi cất giữ tượng Phật Pha Bang là món quà của vua Khmer dành cho vua Fa Ngum khi ông lên ngôi, du khách có thể làm một vòng ghé thăm những ngôi chùa Vat Saen, Vat Sop, Vat Sirimungkhun, Vat Si Bun Heuang nằm kề nhau trên phố trung tâm xuyên qua thành cổ trước khi đến cuối đường Sakkarin thăm Vat Xieng Thong - ngôi chùa lộng lẫy với nhiều tượng Phật và những bức tranh vẽ chạm khắc tinh tế, được xây dựng từ năm 1560 dưới thời vua Setthathirat. Từ đây, dọc bờ sông Mekong, du khách có thể đến với Vat Paphai, Vat Xieng Muan và kết thúc hành trình bằng nỗ lực vượt qua 328 bậc cấp chinh phục đỉnh Phousi, thăm ngôi chùa trên núi và ngắm cảnh hoàng hôn thật ấn tượng trên dòng sông Mekong.
Vat Xieng Thong - ngôi chùa có giá trị nổi bật – Ảnh: Mk. Thành
Đến Luang Prabang, du khách không thể bỏ qua Vat Visoun nằm trên con đường mang chính tên ngôi chùa, xây dựng năm 1513 và được trùng tu trong khoảng 1896 - 1898, là ngôi chùa cổ nhất Luang Prabang, có tên trong danh sách di sản văn hóa thế giới; Vat Aham nằm kề bên Vat Visoun, gần tới mức dường như không có ranh giới; Vat Mai Suwannaphumaham xây dựng năm 1821 nằm trên đường Sisavangvong cạnh Bảo tàng Cung điện hoàng gia, được xem như viên ngọc qúy của Luang Prabang với kiến trúc mái đỏ năm tầng, lộng lẫy với những chiếc cột đỡ, xà nhà, tường bao thếp vàng và trang trí khắc họa bằng những bức tranh tường có họa tiết tinh xảo…
Dừng chân lặng ngắm những ngôi chùa cổ kính, du khách không khỏi bâng khuâng, bởi dường như mọi sinh lực nơi đây đều dồn hết vào việc xây dựng chùa. Với niềm tin thành tín, các nghệ nhân xưa đã vận dụng hết tài hoa cùng tư duy sáng tạo, để hình thành những công trình lộng lẫy, tinh tế với những họa tiết chuẩn mực mà không thiếu phần hoa mỹ…hãy 1 lần tham gia chương trình Du lich Lao để hiểu biết hơn về nền văn hóa xứ sở này.