1. Khí hậu Nhật Bản
Nhật Bản thuộc vùng ôn đới có bốn mùa mang những đặc điểm riêng. Mùa Xuân và mùa Thu là hai mùa đẹp nhất trong năm. Thời gian lý tưởng nhất để đến Nhật bản là vào nửa cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 4 - lúc hoa Anh Đào nở rộ và từ nửa cuối tháng 10 đến nửa đầu tháng 11- là thời kỳ bạn có thể ngắm lá vàng lá đỏ. Nhiệt độ trung bình cả năm ở Tokyo là 15,6 oC nhưng mùa hè nhiệt độ ở đây thường trên 30 oC và ban đêm hơn 25o C. Mùa đông Tokyo rất lạnh, nhiều khi có tuyết. Nhiệt độ trung bình ở Okinawa vào tháng Giênglà 16oC. Trong khi đó, các vùng khác lại tương đối mát ngay cả mùa hè, chẳng hạn như Abashiri ở Hokkaido, nhiệt độ trung bình trong tháng 8 là 19,1oC.
2. Giao thông ở Nhật Bản
Hệ thống giao thông công cộng ở Nhật Bản rất hiện đại, dịch vụ tốt, tầu điện ngầm, tầu nổi và xe buýt rất phổ biến và thuận tiện. Hệ thống thông tin, chỉ dẫn tại các ga tầu rất rõ ràng, dễ hiểu. Có cả chi dẫn bằng tiếng Anh kèm theo.
3. Tiền tệ: Tiền Yên (JPY). 1JPY tương đương 196 VND; 1USD tương đương 95 JPY. Tỷ giá lên xuống tùy thời điểm.
Khi đến Nhật Bản tốt nhất bạn nên mang theo tiền Yên, hầu hết các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng, cửa hiệu đều thanh toán bằng tiền Yên, không thu Đô La Mỹ.
4. Múi giờ:
Tại Nhật: đi trước giờ Việt Nam 02 tiếng. Ví dụ: Tại Việt Nam là 12h00 trưa thì tại Nhật là 14:00 chiều cùng ngày.
5. Xin visa vào Nhật Bản:
5.1. Đối với người có hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ: được miễn thị thực Nhật Bản từ ngày 01/5/2005 theo qui định của Bộ Ngoại Giao hai nước Việt Nam- Nhật Bản.
5.2. Người có hộ chiếu phổ thông cần phải xin thị thực nhập cảnh Nhật Bản. Nộp hồ sơ cho bộ phận lãnh sự của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, địa chỉ 27 Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 4-3846-3000, bộ phận lãnh sự máy lẻ 3133. Nhận hồ sơ vào buổi sáng các ngày làm việc, trả kết quả vào các buổi chiều.
Thời gian trả kết quả là sau 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ.
6 . Mua sắm hàng hóa
Thuế VAT ở Nhật là 5%. Người nước ngoài được miễn VAT khi mua hàng với điều kiện phải mua ở các cửa hàng miễn thuế và phải trình hộ chiếu. Vì vậy khi mua hàng ở Nhật , đặc biệt là đồ điện tử ( ví dụ tại Akihabara, Big Camera ...) bạn nên nhìn biển của cửa hàng có đề chữ "Duty Free Shop" , nếu không ghi gì thì tốt nhất bạn nên hỏi nhân viêc bán hàng xem có được miễn thuế không trước khi quyết định mua. Lưu ý nếu được miễn thuế người ta sẽ khấu trừ luôn tiền thuế vào hóa đơn nhưng bạn phải giữ hoá đơn phòng khi cần xuất trình tại sân bay. (Khác với các nước Châu Âu là dù được miễn thuế cũng phải trả cả tiền thuế ngay khi mua hàng, sau đó ra sân bay trình hoá đơn cho Hải quan, khi đó số hàng này mới được trừ thuế và số tiền này có thể lấy lại trực tiếp tại sân bay).
7. Điện dùng ở Nhật là 100V, ổ cắm dẹt, 2 lỗ. Bạn nên mang theo phích cắm dẹt 2 chân và hoặc phích chuyển đổi từ ổ dẹt ra ổ tròn.
8. Cư xử
Người Nhật rất coi trọng tự do cá nhân vì vậy không nên cười nói lớn tiếng hoặc đùa giỡn nơi công cộng /nhà hàng làm ảnh hưởng tới người khác. Xả rác, hút thuốc nơi có bảng cấm sẽ bị phạt vi cảnh. Khi xả rác phải để ý phân loại rác theo chỉ dẫn.
9. Vật dụng mang theo
Nên mang theo giầy nhẹ, đế bằng và kín chân để tạo cảm giác thoải mái khi đi bộ. Nên mang theo áo khoác trong trường hợp khí hậu thay đổi đột ngột vào ban đêm. Nên trang bị túi thuốc cá nhân gồm các loại thuốc đặc trị cho bệnh của bạn vì ở Nhật và nhiều nước khác khi mua thuốc điều trị cần phải có đơn của bác sỹ địa phương.
Không nên mang theo đồ ăn, nhất là đồ tươi sống vào Nhật Bản. Nếu Hải quan cửa khẩu của họ phát hiện sẽ bị buộc đổ vào thùng rác.
Không mang hơn US$7,000 và quá 15.000.000 đồng ra khỏi nước Việt Nam. Nếu bạn cần sử dụng nhiều nên mang theo các loại thẻ tín dụng như: Master Card,Visa Card, ANZ, HSBC, VCB,ACB...
Ngoài hành lý gửi (tối đa 20kg, quá cước phải đóng thuế theo hãng hàng không), bạn được mang hành lý xách tay (tối đa 7kg và kích cỡ theo quy định hãng máy bay). Nên cho thêm một bộ quần áo cùng vật dụng cần thiết vào hành lý xách tay đề phòng khi thất lạc hành lý ký gửi thì bạn vẫn có đồ đạc để sử dụng ngay. Thông thường hành lý ký gửi khoảng 23-24 kg thì cũng không phải trả thêm cước.
10. Lưu ý khi sử dụng các dịch vụ khách sạn:
-Đa số các khách sạn đều có dịch vụ PAY TIVI (chiếu các loại phim giải trí) nếu không xem đề nghị không bấm nút PAY, nếu nhấn nút rồi sau đó không xem bạn vẫn phải thanh toán tiền.
- Có thể trong một vài khách sạn có sử dụng hệ thống robot minibar (tủ lạnh chứa thực phẩm tự động), nếu không sử dụng không nên nhấn nút lấy các sản phẩm, trong trường hợp đã nhấn nút lấy thực phẩm không nhét trả trở lại vì máy đã tính tiền rồi.
11. Điện thoại
Điện thoại ở khách sạn rất đắt. Vì thế, bạn nên mua thẻ điện thoại ở Nhật Bản rồi gọi tại các cabin điện thoại công cộng, hoặc bỏ xu trực tiếp vào các máy điện thoại công cộng. Mỗi lần gọi nội thành bỏ vào máy 100 Yên. Đối với người có điện thoại cầm tay có thể đăng ký mở roaming tại Việt Nam và sử dụng điện thoại của mình tại Nhật, tuy nhiên điện thoại của bạn phải có chương trình hỗ trợ 3G thì mới dùng được ở Nhật. Có thể thuê điện thoại di dộng (ví dụ tại quầy ABC gần chỗ bán vé Limousine Bus) ngay tại sân bay sau khi làm xong thủ tục nhập cảnh, tiền cước rẻ hơn là gọi từ di động của chính mình. Ngoài việc trả 1 khoản cố định cho việc thuê 1 chiếc điện thoại di động khoảng 2000 Yên/ tuần, bạn phải trả tiền cước cho từng cuộc gọi là 80 Yên/phút nếu gọi trong thành phố, 200 Yên/ phút nếu gọi quốc tế. Tuy nhiên bạn chỉ được chọn 1 trong 2 loại mức cước nói trên, nghĩa là nếu chọn mức cước 80 Yên/phút thì không gọi được quốc tế, nếu chọn mức 200 Yên/phút thì dù gọi nội thành cũng vẫn bị tính mức 200 Yên/phút chứ không phải 80 Yên/phút. Trả điện thoại và thanh toán tại sân bay, gần quầy Check - In của Việt Nam airline khi về nước. Khi thuê điện thoại phải xuất trình hộ chiếu và thẻ tín dụng. Thanh toán bằng thẻ tín dụng.
- Gọi điện thoại từ Việt Nam sang Nhật Bản :
0081 + mã vùng + số thêu bao của Nhật. Nếu mã vùng và số thuê bao bắt đầu bằng chữ số 0 thì bỏ số 0 đi rồi bấm các số tiếp theo:
Ví dụ: 00 81 3-5402-8003 ( gọi số 03-5402-8003 ở Tokyo)
00 81 90- 4831- 4723 ( gọi số di động 090- 4831- 4723)
- Từ Nhật Bản gọi về Việt Nam
010 84- 4- 3934 8143 (Gọi số 3934 8143 ở Hà Nội)
010 84- 903 350.350 (Gọi số di động 0903 350 350)
Điện thoại khẩn cấp tại Nhật bản:
1. Khi có người bị đột quỵ, ốm đau, khi có hỏa hoạn hoặc có người bị thương do hỏa hoạn hoặc do tai nạn giao thông cần xe cứu thương hoặc cần cứu hộ ...ấn số 119. Điện thoại viên trực 24/24, tiếng Anh, không mất phí.
2. Khi cần báo cảnh sát vì lý do bị tai nạn giao thông hoặc bị tội phạm tấn công, cướp giật...gọi số 110. Nếu bạn không nói được tiếng Nhật, tổng đài 110 sẽ hướng dẫn phím chuyển để kết nối tới thông dịch phiên (tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ nào đó).
4. Cứu hộ trên biển gọi số 118
5. Thông tin liên quan đến mất hộ chiếu, cấp hộ chiếu mới, visa ... liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo, địa chỉ: 50-11 Motoyoyogi-cho, Shibuya-ku, Tokyo 151-0062, Tel: 03-3466-3311 (bộ phận lãnh sự); Fax: 03-3466-7652
hoặc Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản, địa chỉ :
Osaka-fu, Osaka-shi, Chuo-ku, Bakuro-cho 1-4-10
Estate Bakurocho Building 10F, 541-0059 Japan
Tel: 06-6263-1600 Fax: 06-6263-1770
6. Thông tin liên quan đến thương mại, liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, địa chỉ: 50-11 Motoyoyogi-cho, Shibuya-ku, Tokyo 151-0062
Tel: 03- 3466 - 3315 / 3466 3436; Fax: (81-3) 3466 3360