1. Đặc Sản Thịt Trâu Gác Bếp
Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản thường thấy trong bữa ăn của người Thái đen. Món thịt này thường được làm từ bắp của những chú trâu, bò nhà thả rông trên các vùng núi đồi Tây Bắc. Khi làm, người ta lóc các thớ thịt ra thành từng miếng kiểu con chì và thái dọc thớ, rồi hun bằng khói của than củi từ các núi đá.
Với miếng thịt trâu thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, song lại không gây khó chịu. Các kỹ thuật chế biến đều là bí quyết gia truyền, song sản phẩm khá thuần nhất. Người làm dùng cách tẩm ướp thịt với các gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén - một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc. Các gia vị này thậm chí còn thấy nguyên trên từng thanh thịt. Miếng thịt khô nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng, nhất là độ ngọt của thớ thịt.
Khi ăn người ta xé nhỏ dọc theo thớ, có thể ăn ngay hoặc được coi là món nhậu chính uống cùng rượu ngô. Món này được chế biến hoàn toàn tự nhiên, không có chất bảo quản nhưng vẫn để dự trữ được khoảng 1 tháng.
Ngày nay, khi mức độ giao lưu văn hoá giữa các dân tộc ngày một phát triển, thịt trâu gác bếp không chỉ bó hẹp trong bữa ăn của người Thái mà theo chân những vị khách đến khắp mọi miền. Cũng vì thế, cách thưởng thức nó mỗi nơi một khác. Nếu người Thái thưởng thức đặc sản của mình thay cho thức ăn mặn, đặc biệt vào những dịp mưa, lũ hoặc những ngày giáp hạt, thiếu ăn... thì nay, món ăn này có thể trở thành món nướng hoặc ăn với lẩu. Tuy nhiên, những hương vị đặc sắc của thịt trâu nướng chỉ nguyên vẹn khi lấy trực tiếp từ gác bếp, vẫn còn mùi khói, vị cay của ớt, vị nồng nồng của mắc khén.
2. Ốc Đá Suối Bàng
Du lịch mộc châu thưởng thức Ốc đá ở Suối Bàng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt. Những tháng còn lại chúng vùi mình trong những lớp lá dày hoặc nằm im dưới đất.
Những con ốc đá ở đây có hình dáng khá giống ốc núi bà Đen ở Tây Ninh. Chúng không phát triển theo chiều dọc như ốc nhồi, ốc bươu vàng mà theo chiều ngang, mình dẹp, to trung bình bằng hai đốt ngón tay, miệng loe ra có màu trắng sữa.
Ốc bắt về, người ta không xào ốc vì khi xào ốc ra nhiều nhớt ăn không ngon, mọi người thường nấu canh, hoặc đơn giản nhất là luộc với xả, ớt chấm mắm ớt. Con ốc khều ra quệt qua tí nước chấm bỏ vào miệng thấy cay cay đầu lưỡi, ốc chạm vào răng lại thấy giòn giòn, vị ngọt mát lan dần xuống cuống họng. Cái ngon ngọt, mát giòn của ốc đá là thế, không tanh mà còn có vị hăng, thơm của lá rừng...
Thường thì bà con sẽ đãi bạn những món đặc biệt hơn: Đun nước sôi lên, đổ ốc vào, cho thêm chút muối cho ốc dòn và khỏi tanh. Luộc chín tới rồi đổ ra khêu, thịt ốc đem nấu với lá nồm, lá chua hoặc măng chua… đều ngon. Cầu kỳ hơn, người ta có thể nạo xoài chua đem trộn với ốc và gia vị: mùi tàu, lá gừng, tía tô, chanh, ớt làm gỏi. Bạn sẽ có một bữa ăn đáng nhớ, một buổi tối thú vị khi ngủ nhà sàn để sáng hôm sau ra về lòng vẫn lâng lâng.
3. Cá Suối Mộc Châu
Du lịch mộc châu thưởng thức món Cá suối Mộc Châu chiên vàng/ cá suối nướng Pá Pỉnh Tộp giòn tan, vị bùi béo không gợn chút tanh tao.
Bữa tối đầu tiên ở Mộc Châu (Sơn La), tôi gọi món cá suối vốn được mệnh danh là “đặc sản” ở đây. Chẳng biết món cá suối từ dòng Đà Giang dữ dội và trữ tình trong văn chuơng của Nguyễn Tuân có gì khác với món cá từ dòng sông Gâm trên Cao nguyên đá hay suối Mường Hoa, Mường Tiên ở Sa Pa? Bưng lên cho chúng tôi đĩa cá vàng ươm còn nóng hổi, chị nhân viên phục vụ bảo: “Các em đến muộn chút nữa thì không còn món này để gọi. Vào ngày cuối tuần, 7-8 kg cá cũng không đủ bán cho khách".
Con số trên quả ấn tuợng, bởi có ngày những người đánh cá ở huyện Phù Yên chỉ bắt được khoảng 2-3 kg cá. Những con cá được mang về từ huyện miền núi tiếp giáp Mộc Châu, nơi những con suối chảy dài nối vào dòng Đà Giang thơ mộng. Món này thường được nhà hàng bán với giá 100.000 đồng/đĩa.
Cá suối nướng vàng
4. Đặc Sản Bê Chao Mộc Châu
Những chú bò non ở Mộc Châu khi mới sinh ra (gọi là bê) được xác định giới tính, nếu là bê cái sẽ giữ lại nuôi để lấy sữa, còn bê đực không cho sinh sản sẽ bị loại. Khi bê con bị loại, người dân ở cao nguyên Mộc Châu đã biến nó thành một món ăn giàu chất dinh dưỡng, ngon và hấp dẫn - món bê chao.
Cách chế biến món bê chao không cầu kỳ, từ nguyên liệu là thịt bê ( Tuy nhiên thịt bê chao ngon nhất phải làm từ thịt của những chú bê con chỉ vừa sinh ra được 7 ngày tuổi, chỉ bú sữa bò mẹ mà chưa ăn bất cứ loại cỏ nào trên thảo nguyên. Có như vậy, món bê chao mới thơm ngon tuyệt hảo với từng miếng thịt bê giòn bì, chắc thịt, nhưng không hề khô cứng mà trái lại, rất mềm và ngọt). Thịt bê được xắt thành từng miếng nhỏ, đem ướp sả, gừng, gia vị rồi chao qua dầu sôi. Vì thịt bê còn non nên món ăn mềm, mang vị ngọt, không ngấy, không béo.
Bê phải chao trên lửa to để thịt không ngấm mỡ. Lửa to thì dầu phải ngập miếng thịt để tránh “sống trong, chín ngoài”. Độ chín của gừng, sả ướp cùng thịt bê cũng là một yếu tố để đánh giá tay nghề đầu bếp. Bê chín, gừng, sả cũng vừa vàng ươm, thơm nức mà không khét, cháy. Một đĩa bê chao “đặc sản” như thế cũng chỉ có giá 150.000 đồng.
Bê chao phải ăn nóng mới thấy hết vị ngon của nó. Trút ra đĩa, mỡ vẫn còn riu riu sôi trên những miếng thịt. Chấm thịt ấy vào bát tương sánh vàng, điểm thêm chút gừng bằm nhỏ. Thịt vàng hườm, mềm và ngọt khó tả. Phần bì phồng lên lấm tấm trắng, khẽ cắn vào thì thấy giòn, nhưng nhai kỹ vẫn có một chút dai vương vấn. Tôi lại có cái thú vét gừng, sả vụn ở đáy đĩa để nhâm nhi. Thi thoảng lại có thêm những lát gừng mỏng, vàng ruộm, không cay xè mà thơm đến ứa nước miếng.
Nếu bạn đang có nhu cầu muốn đi du lịch Mộc Châu để hòa mình vào văn hóa vùng cao, cùng ngắm khung cảnh thiên nhiên & thưởng thức đặc sản hãy cũng Phuonghoangtour trải nghiệm chùm tour du lịch Mộc Châu do công ty tổ chức khởi hành hàng tuần.
Mọi thông tin liên hệ hotline để được tư vấn miễn phí.