Cơm lam
Dừng chân ở bản Lác, Mai Châu sau hành trình vất vả, mùi cơm lam thơm nức tỏa ra từ căn bếp, vấn vít lấy du khách như lời mời gọi bữa cơm dân giã đượm tình cảm nồng hậu của người dân nơi đây.
Cơm lam Mai Châu được làm từ loại gạo nương dẻo thơm có tiếng của Hòa Bình. Sau khi được ngâm qua đêm cho mềm, gạo nếp nương được trộn lẫn với cùi dừa thái sợi, lèn chặt vào trong ống nứa. Ống để làm cơm lam phải được cắt dài khoảng 30 phân, nứa còn tươi để giữ được mùi thơm đặc trưng và hương vị. Cuối cùng người ta nút ống lại bằng mía hoặc lá chuối rồi mới đem nướng trên bếp củi.
Khoảng 2 tiếng sau, mùi thơm đã tỏa ra khắp cả gian bếp, đó là lúc cơm đã chín. Khi dùng, tách cơm từ ống nứa ra sao cho vẫn giữ được lớp màng nứa bao bọc, cơm dẻo thơm còn nóng hôi hổi ăn kèm muối vừng khiến thực khách cứ ăn mãi mà không biết ngán.
Xôi nếp nương
Cũng sử dụng nguyên liệu là loại gạo nếp nương nổi tiếng, nhưng lần này lại được chế biến thành món xôi dẻo thơm hấp dẫn.
Sau khi ngâm gạo khoảng 4 đến 5 tiếng, người ta để ráo nước rồi bỏ vào xửng, đun cách thủy khoảng 1 tiếng. Khi nếm thử thấy hạt xôi đã ngậm nước đẫy, mẩy hạt dẻo thơm, bốc khói nghi ngút là món xôi đã chín.
Lợn rừng xiên nướng
Tới du lịch Mai Châu, dọc trên những con đường của bản, du khách chắc hẳn sẽ bắt gặp rất nhiều hàng thịt xiên nướng tỏa khói thơm phức. Chẳng mấy ai có thể kìm lòng mà không dừng lại mua vài xiên thịt.
Người ta dùng thịt lợn Mường thui vàng để làm nguyên liệu chính. Những phần thịt ngon nhất được người đầu bếp tẩm ướp các loại gia vị như muối, ớt bột, hồi, giếng, sả, lá móc mật, gừng, nghệ, dấm… để tăng thêm hương vị cho miếng thị. Sau đó người ta nướng thịt trong khoảng 15-20 phút để gia vị được ngấm đều, thịt được xiên que và đem nướng cho tới khi chảy hết mỡ ngấy. Miếng thịt chín vàng ruộm, dậy mùi thơm phức phức, khi ăn hương vị nồng đậm dai mềm hòa quyền trong khoang miệng càng khiếng ta thèm thuồng thích thú. Món ăn này sẽ càng tuyệt vời hơn nữa khi ăn kèm cùng với xà lách, rau sống và thêm một chút rượu cần cay nồng.
Lợn mán thui luộc
Loại lợn mán tại đây được nuôi thả tự nhiên nên thịt lợn rất săn chắc. Khi chế biến, người đầu bếp đem lợn thui vàng, thui đến đâu cạo sạch lông đến đó rồi mới đem rửa sạch.
Thịt lợn được xẻ ra rồi cho vào nồi luộc, phải canh lửa liu riu cho đến khi vừa chín tới. Sau đó người ta lại tiếp tục thái miếng thịt thành những lát thật mỏng, bày trên lá chuối rừng. Đĩa thịt nóng hôi hổi dậy mùi thơm ngon chấm với muối rang và hạt dổi nướng giã nhỏ sẽ khiến du khách ngất ngây bởi vị ngọt của thịt và lớp da giòn béo ngậy, hòa quyện trong hương vị nồng nồng của hạt dổi và vị đậm đà của muối rang.
Chả cuốn lá bưởi
Nghe tên món ăn có lẽ thực khách đã thấy sự đặc biệt trong khâu kết hợp nguyên liệu của người dân Mai Châu. Thịt lợn ba chỉ đem thái con chì rồi ướp thêm hành và nước mắm, sau đó được khéo léo cuộn trong lá bưởi (thường dùng 1 nửa lá nếu là lá to, và nguyên 1 lá nếu là lá nhỏ) rồi đem nướng trên than hồng. Tới khi món chả ngả màu tím se se là ăn được.
Mỗi khi cắn một miếng chả đậm đà là thực khách lại cảm nhận thêm hương bưởi vấn vương, tạo nên nét độc đáo tinh tế cho món ăn.
Măng đắng
Măng đắng là sản vật của vùng miền núi phía Bắc, măng mọc quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là mùa mưa.
Mắng đắng Mai Châu qua bàn tay tài khéo của những người dân địa phương tạo nên các món ăn vô cùng hấp dẫn như xào, luộc, hầm… Đặc biệt nhất có lẽ là món măng đắng nướng. Muốn món măng ngon nhất phải biết lựa chọn những những mầm măng mới nhú nướng cho đến khi quắt lại, bóc dần từng bẹ, chấm với hỗn hợp nước chấm gồm muối, ớt, mắc khén, lá tỏi và tỏi giã nhỏ, sẽ mang đến cho thực khách một trải nghiệm khó quên về hương vị. Măng đắng nướng luôn là món ăn yêu thích của những người sành ăn khi tới Mai Châu.
Ong rừng xào măng
Món ăn này được chuộng nhất vào những dịp cuối hè, khi những người dân bản mang những tổ ong rừng to như chiếc rổ con về vừ để chế biến thuốc vừa làm món ăn đặc sản nổi tiếng.
Ong rừng bép múp được rửa qua bằng nước lạnh để ráo, sau đó người ta đảo đều qua hành mỡ phi thơm cho đến khi ngả vàng. Sau đó người đầu bếp tiếp tục xào măng cho chín rồi mới đổ ong đã xào hành mỡ vào đảo đều, thêm nếm gia vị cho vừa.
Khi thưởng thức, vị béo ngậy của ong hòa lẫn với vị dai mềm của măng, lại ăn kèm thêm chút ớt để tạo vị cay nồng và củ kiệu muối hăng hăng. Tất cả hòa quyện tạo nên hương vị thơm ngon độc đáo, khiến bạn cứ ăn thử một miếng rồi lại một miếng đến khi nghiện lúc nào không hay.
Rượu Mai Hạ
Các loại lá và củ quả làm men rượu đều do người Mai Hạ tự đi kiếm chứ không có hàng bán sẵn. Các thành phần sau khi kiếm được sẽ đem rửa sạch, phơi khô rồi giã nhỏ, rây thành bột, đem trộn đều với bột gạo và bột sắn để thành men, nặn thành những phần ro như chiếc bánh bao xốp và nhẹ bỗng. Chã rượu được làm từ sắn củ sấy khô để lâu ngày trên gác bếp cho hết độc tố, đem giã vỡ đều bằng hạt ngô, ngâm ở suối Mùn 3 ngày 3 đêm. Sắn hạt với lên, trộn cùng vỏ trấu, bỏ vào nồi hông đồ chín rồi tãi ra nia, trộn đều với men rồi ủ khô trong chum, phủ một lớp lá Bơ lương lên nắp rồi bịt kín. Chã càng ủ lâu thì rượu càng thơm ngon ngây ngất.
Các món ăn đặc sản của Mai Châu dường như càng thêm đậm đà hương vị khi dùng kèm một chén rượu Mai Hạ. Thứ rượu đặc biệt đến nối người dân nơi đây thường ví rẳng chỉ ngửi đã say, ấn tượng đến nỗi có mấy ai nhấp chén rồi mà quên được.
Nếu bạn đang có nhu cầu muốn đi du lịch Mai Châu để hòa mình vào văn hóa vùng cao, cùng ngắm khung cảnh thiên nhiên & thưởng thức đặc sản hãy cũng Phuonghoangtour trải nghiệm chùm tour du lịch Mai Châu do công ty tổ chức khởi hành hàng tuần.
Mọi thông tin liên hệ hotline để được tư vấn miễn phí.